icon icon icon
Số 38/14/61 Phùng Chí Kiên - Cầu Giấy - Hà Nội Tìm kiếm

CHUSEOK - TẾT TRUNG THU HÀN QUỐC

Người đăng: Nguyễn Thị Huyền - 29/09/2023

Chuseok (추석) là Tết Trung thu của người Hàn và cũng là ngày lễ chính thức lớn thứ hai của Hàn Quốc sau Tết Nguyên Đán Seolnal  (설날).  Chuseok không giống như Tết Trung thu ở Việt Nam. Khi Tết Trung thu ở Việt Nam còn được coi là Tết Thiếu nhi và là ngày nghỉ lễ dành cho các em thiếu nhi thì ở Hàn Quốc Chuseok lại là dịp nghỉ lễ chính thức trong năm của cả nước. Chuseok còn được gọi là Hangawi (한가위), trong đó "Han (한)" có nghĩa là lớn, "gawi (가위)" có nghĩa là rằm Tháng 8. Đúng như cái tên, Chuseok được bắt đầu vào ngày 15 tháng 8 âm lịch hằng năm, kéo dài 3 ngày (ngày 14, 15 và 16). Đặc biệt dịp Chuseok năm nay người dân Hàn Quốc được nghỉ lễ 6 ngày.

Nguồn gốc và ý nghĩa 

Ngày lễ Chuseok đã có từ thời Gabae của triều đại Silla (từ năm 57 TCN đến năm 935).  Theo ghi chép có trong Tam Quốc Sử Ký, vị vua thứ ba của triều Silla là Yuri đã mở một cuộc thi dệt vải, chia cung nữ trong thành làm hai đội, mỗi đội có một công chúa dẫn đầu. Trong vòng một tháng (từ ngày 15 tháng 7 âm lịch cho đến ngày 15 tháng 8 âm lịch), đội nào dệt được nhiều vải hơn sẽ được vua ban thưởng, đội thua cuộc sẽ chuẩn bị tiệc và múa hát. Từ đó ngày 15 tháng 8 âm lịch hằng năm là ngày lễ vui chơi của người dân Hàn Quốc. 

Lễ Chuseok còn được coi như ngày lễ Tạ ơn của người Hàn. Ngày 15 tháng 8 âm lịch là ngày trăng tròn nhất và sáng nhất trong năm. Trăng tròn thể hiện sự tròn đầy, dư dả và màu mỡ. Vào ngày này, người dân sẽ làm lễ tạ ơn đất trời, tổ tiên đã phù hộ cho họ mùa màng bội thu, và cầu mong năm sau mùa màng bội thu, ấm no hạnh phúc. Đây cũng là lúc mà người dân hưởng thụ thành quả của mình sau một vụ mùa qua đi. Đối với một đất nước có truyền thống xem trọng ngành nông nghiệp như Hàn Quốc thì Chuseok là dịp lễ vô cùng quan trọng và có ý nghĩa. 

Phong tục và món ăn truyền thống

Vào ngày Chuseok, các gia đình sẽ đi thăm phần mộ của tổ tiên, tục này gọi là Seongmyo (성묘), sau đó họ tiến hành cắt cỏ dại, dọn dẹp xung quanh mộ, cuối cùng bày một mâm lễ nhỏ gồm hoa quả cùng các sản phẩm thu hoạch được để bày tỏ lòng biết ơn với tổ tiên. Nghi thức này tương đối giống với tảo mộ tiết thanh minh ở Việt Nam. 

**Nghi thức Seongmyo

Các gia đình sẽ trở về nhà, tụ họp tại gian nhà chính, bày biện bàn thờ tổ tiên và thực hiện nghi lễ cúng gia tiên Charye (차례). Lễ cúng charye được tổ chức hai lần trong năm, thứ nhất vào ngày Seolnal và thứ hai vào ngày Chuseok. Vào ngày Chuseok, món ăn đại diện để cúng là cơm gạo mới Mebap (메밥), bánh Songpyeon (송편) và rượu truyền thống. 

** Nghi thức Charye

Vào ngày Tết Trung thu, ở Việt Nam chúng ta có bánh trung thu, còn ở Hàn Quốc người Hàn có món bánh Songpyeon truyền thống. Bánh Songpyeon được làm từ bột nếp với nhân bằng đậu đỏ, hạt dẻ, quả hạch nhuyễn,... nặn thành hình nửa mặt trăng và đem hấp trên một lớp lá thông tươi cho thơm.

**Bánh Songpyeon

Đêm trước Chuseok, các thành viên sẽ quây quần với nhau làm bánh Songpyeon. Có nhiều lý giải khác nhau về hình dạng của Songpyeon, nhưng đa số cho rằng trăng tròn rồi sẽ dần tàn, còn trăng khuyết sẽ dần tròn đầy, bánh Songpyeon hình bán nguyệt mang ý nghĩa cầu cho những điều may mắn, tốt đẹp và một tương lai tương sáng đến với gia đình.

Các hoạt động vào dịp lễ Chuseok

Vào dịp lễ Chuseok, người dân xứ sở kimchi có rất nhiều hình thức hoạt động vui chơi khác nhau, trong đó có một số những hoạt động vui chơi giải trí truyền thống tiêu biểu như đấu vật, múa Ganggangsullae, kéo co,...

**Múa Ganggangsullae vào Chuseok

Chúc các bạn có một ngày lễ Trung thu bình an và hạnh phúc bên gia đình!

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN: